Sàn Forex lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng như thế nào?

Sàn Forex lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng như thế nào?
Video san forex lua dao

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Forex là gì?

Forex là viết tắt của cụm từ Foreign Exchange, nghĩa là trao đổi tiền tệ quốc tế. Trong đó, thị trường forex hay thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ của các quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Hoạt động kinh doanh trao đổi tiền tệ trong thị trường Forex được thực hiện bằng cách mua, bán, trao đổi loại tiền tệ này với loại tiền tệ khác với. Lợi nhuận của giao dịch sẽ tính theo phần chênh lệch giữa việc mua vào, bán ra.

Các sàn Forex nổi tiếng trên thị trường đều là sản phẩm của nước ngoài, có tuổi đời hơn 15 năm. Ví dụ: Exness, XTB.

2. Forex lừa đảo khách hàng bằng những thủ đoạn nào?

Hành vi lừa đảo của các sàn Forex là nhiều vô kể và ngày càng tinh vi, nhưng chủ yếu là chúng đánh vào lòng tham của người tham gia.

Các chủ sàn thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), hoặc liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tư vấn người chơi “đánh lệnh”. Với việc được chỉ dẫn tận tình, kết hợp với việc “auto” thắng lúc mới chơi và mang lại số tiền lời gấp 2, gấp 3 lần so với khoản đầu tư, đã khiến người chơi tiếp tục xuống tiền.

Cần biết, một số sàn Forex có khả năng can thiệp vào tài khoản của người chơi. Bản chất khi người tham gia “đánh lệnh” tại các sàn Forex là đang chơi với chủ sàn, nên nếu người chơi thua, thì chủ sàn sẽ được hưởng. Còn nếu người chơi thắng nhiều, các chủ sàn sẽ thực hiện các hành vi như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống,… dẫn đến “cháy tài khoản” và không thể rút được tiền.

Như vậy, “cán dao” luôn nằm ở các chủ sàn Forex. Nếu họ muốn, thì việc kiếm tiền lời từ các sàn Forex đối với người tham gia gần như là không thể.

3. Xử phạt chủ sàn Forex lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như thế nào?

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định:

– Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Khung hình phạt cao nhất của tội này có thể lên đến 20 năm tù.

Bên cạnh đó, khoản 1 và 2 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định hoạt động ngoại hối như sau:

– Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

+ Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

+ Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

+ Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đô la Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

+ Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người chơi thông qua sàn Forex có thể đối diện với mức phạt tiền lên đến 20 triệu đồng và mức phạt tù đến 20 năm.

Tổng kết lại, sàn Forex là công cụ trung gian để người chơi tham gia kiếm lời từ việc dự đoán đúng chênh lệch của các loại tiền tệ và các chủ sàn hoàn toàn điều khiển được điều đó. Dẫn đến việc, các chủ sàn can thiệp vào “lệnh đánh” khiến những người tham gia mất tiền và thua lỗ. Do đó, những người tham gia cần phải tỉnh táo, tránh những trường hợp bị dụ dỗ để rồi “tiền mất, tật mang”.