Hình ảnh mụn nội tiết dễ nhận biết, không nên chủ quan

Hình ảnh mụn nội tiết dễ nhận biết, không nên chủ quan

Mụn nội tiết rất phổ biến, ảnh hưởng cả nam và nữ từ 20 – 50 tuổi, đặc biệt ở phụ nữ mang thai hoặc đang trong thời kỳ mãn kinh. Bài viết dưới đây được thạc sĩ bác sĩ nội trú CKI Trần Nguyễn Anh Thư, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp những thắc mắc và đưa ra một số hình ảnh mụn nội tiết dễ nhận biết. Người bệnh không nên chủ quan vì mụn nội tiết nặng sẽ tổn thương da, để lại sẹo thâm và ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cũng như tâm lý của bản thân.

Hình ảnh mụn nội tiết

Mụn nội tiết là gì?

Mụn nội tiết thường được gọi chung mụn trứng cá là tình trạng nang lông tuyến bã tăng tiết chất bã nhờn gây bít tắc và kèm theo viêm nhiễm. Bệnh xuất hiện do các hormone trong cơ thể thay đổi. Mụn nội tiết ảnh hưởng đến mọi nhóm tuổi, phổ biến ở lứa tuổi dậy thì, phụ nữ trước – sau sinh, trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh – mãn kinh. Đây là giai đoạn cơ thể có những thay đổi nhất định làm rối loạn nội tiết tố, gây nổi mụn nội tiết. Biểu hiện của mụn nội tiết đa dạng có thể là mụn đầu đen, đầu trắng hoặc nốt nang. Nhân mụn nằm sâu dưới da, viêm, sưng đỏ gây đau. (1)

Hình ảnh mụn nội tiết

Dưới đây là những hình ảnh mụn nội tiết với nhiều mức độ từ nhẹ, trung bình đến nặng ở nhiều vị trí khác nhau, bao gồm:

1. Mụn nội tiết ở cằm

Xem hình ảnh mụn nội tiết ở cằm sau đây:

Mụn nội tiết ở vị trí cằm
Mụn nội tiết ở vị trí cằm
Mụn nội tiết ở vùng cằm
Mụn nội tiết ở vùng cằm.
Mụn nội tiết nằm ở cằm
Mụn nội tiết nằm ở cằm.

2. Mụn nội tiết ở lưng

Xem hình ảnh mụn nội tiết ở lưng sau đây:

Mụn nội tiết ở vị trí lưng
Mụn nội tiết ở vị trí lưng.
Mụn nội tiết ở vùng lưng
Mụn nội tiết ở vùng lưng.

3. Mụn nội tiết ở má

Xem hình ảnh mụn nội tiết ở má sau đây:

Mụn nội tiết ở vùng má
Mụn nội tiết ở vùng má.
Mụn nội tiết ở vị trí má
Mụn nội tiết ở vị trí má.

4. Mụn nội tiết ở quai hàm

Xem hình ảnh mụn nội tiết ở quai hàm sau đây:

Mụn nội tiết ở quai hàm trước và sau điều trị
Mụn nội tiết ở quai hàm trước và sau điều trị.
Mụn nội tiết ở vị trí quai hàm
Mụn nội tiết ở vị trí quai hàm.

5. Mụn nội tiết ở trán

Xem hình ảnh mụn nội tiết ở trán sau đây:

Mụn nội tiết ở trán lúc trước và sau khi điều trị
Mụn nội tiết ở trán lúc trước và sau khi điều trị.
Mụn nội tiết ở vị trí trán
Mụn nội tiết ở vị trí trán.

6. Mụn nội tiết ở nam

Xem hình ảnh mụn nội tiết ở nam sau đây:

Mụn nội tiết ở nam không điều trị khiến da thâm và sẹo
Mụn nội tiết ở nam không điều trị khiến da thâm và sẹo.
Người bệnh bị mụn nội tiết nặng
Người bệnh bị mụn nội tiết nặng đến khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM điều trị.

7. Mụn nội tiết ở nữ

Xem hình ảnh mụn nội tiết ở nữ sau đây:

Mụn nội tiết ở phụ nữ
Mụn nội tiết ở phụ nữ.
Mụn nội tiết ở nữ giới
Mụn nội tiết ở nữ giới.

Nguyên nhân gây mụn nội tiết

Một số nguyên nhân gây mụn nội tiết, bao gồm:

  • Thay đổi nồng độ hormone ở nữ như thời kỳ kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt không đều, khi mang thai, thời kỳ mãn kinh hoặc ngưng dùng biện pháp tránh thai.
  • Nam giới đang điều trị bằng testosterone.
  • Tiền sử gia đình di truyền nổi mụn trứng cá.
  • Tác dụng phụ của thuốc (chẳng hạn steroid).
  • Một số tình trạng bệnh đã mắc từ trước như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hội chứng Cushing, tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH), các khối u tiết androgen, bệnh to đầu chi.
  • Căng thẳng kéo dài.
  • Người chuyển giới (tiêm thuốc nội tiết tố).
  • Chế độ ăn uống – sinh hoạt thiếu khoa học.
  • Lạm dụng thuốc tránh thai.

Dấu hiệu nhận biết mụn nội tiết

Mụn nội tiết tố khiến da tổn thương có những dấu hiệu dễ nhận biết như viêm, đỏ, đau và nhức. Mụn thường xuất hiện với nhiều dạng và mức độ khác nhau như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, sẩn viêm hoặc nang nốt. Tuổi dậy thì, mụn nội tiết hay xuất hiện ở vùng chữ T (gồm mụn nội tiết ở trán, mũi, cằm). Với tuổi trưởng thành, mụn nổi ở phần dưới khuôn mặt (2 má và vùng da quanh xương hàm).

Một số dấu hiệu cảnh báo người bệnh nổi mụn nội tiết, bao gồm:

  • Mụn nổi nhiều ở cằm và quanh xương quai hàm: Mụn nội tiết xuất hiện dưới các dạng mụn ẩn, mụn bọc, mụn nang. Mụn nổi nhiều ở phần dưới mặt, đặc biệt ở cằm và xương quai hàm. Bởi, hormone kích thích tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn, tiết nhiều dầu ở khu vực gần cằm và quai hàm nên mụn nội tiết nổi nhiều ở vị trí này.
  • Mụn tái phát mỗi tháng 1 lần: Mức độ estrogen và progesterone trong cơ thể điều khiển tuyến nội tiết hoạt động mạnh gây nổi mụn nội tiết ở cùng vị trí và cùng một thời điểm đều đặn hàng tháng.
  • Mụn mọc dai dẳng: Dù người bệnh chăm sóc da mặt đều đặn hàng ngày và luôn giữ chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học nhưng vẫn nổi mụn dai dẳng. Tình trạng này là dấu hiệu bạn nổi mụn nội tiết.
  • Tâm lý căng thẳng kéo dài: Khi cuộc sống căng thẳng kéo dài sẽ tiết hormone cortisol thường xuyên khiến cơ thể rối loạn nội tiết, hình thành mụn. Vì vậy, khi người bệnh căng thẳng quá nhiều (stress) sẽ thấy xuất hiện một vài nốt mụn.
  • Nổi cục nang lớn và sâu: Mụn nội tiết viêm, sưng đỏ và thương xuất hiện lặp lại ở cùng một vị trí. Mụn dạng này thường viêm nặng, dai dẳng nên ngoài việc chăm sóc da khoa học, bác sĩ sẽ tìm liệu pháp điều trị phù hợp. Còn nếu bạn chỉ điều trị tại nhà có thể để lại sẹo thâm và khiến tình trạng mụn nặng hơn.
  • Nổi mụn trứng cá kèm theo các triệu chứng cường Androgen: người bệnh rụng tóc, rậm lông, kinh nguyệt bất thường (ít kinh, vô kinh), giọng nói thay đổi trầm hơn.

Người bệnh nếu thấy xuất hiện mụn nội tiết, hãy gặp bác sĩ để được điều trị sớm, ngừa tình trạng mụn bùng phát, viêm nặng gây sẹo thâm trên da.

Mụn nội tiết tố khiến da tổn thương
Mụn nội tiết tố khiến da tổn thương như viêm, đỏ, đau và nhức.

Các cách trị mụn nội tiết an toàn, hiệu quả

Dưới đây là một số cách trị mụn nội tiết an toàn và mang lại hiệu quả cao, bao gồm:

1. Điều trị truyền thống bằng các loại thuốc

  • Thuốc tránh thai: Thuốc này có tác dụng cân bằng hormone trong cơ thể để điều trị mụn nội tiết. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ dành cho phụ nữ khỏe mạnh và chưa có ý định mang thai. Ngoài ra, người bệnh dùng thuốc lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe như đau ngực, tim mạch, gan, đau nửa đầu, trầm cảm, tâm trạng thay đổi thất thường… Thuốc chống chỉ định với người có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp, tiền sử ung thư, mắc bệnh gan, tiểu đường,… Vì vậy, người bệnh nếu dùng thuốc tránh thai để điều trị mụn nội tiết cũng cần được bác sĩ theo dõi.
  • Thuốc kháng Androgen: Thuốc này giúp nồng độ nội tiết tố Androgen trong cơ thể giảm và ổn định. Người bệnh sẽ hạn chế nổi mụn nội tiết hơn. Thuốc kháng Androgen chống chỉ định với người bệnh tăng kali máu, suy gan, suy thận, tử cung chảy máu bất thường, phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Do đó, nếu dùng thuốc này, người bệnh cần tuân thủ đúng theo liều lượng mà bác sĩ kê để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Thuốc bôi chứa Retinoid: Hoạt chất này thường dùng điều trị mụn nội tiết ở tình trạng nhẹ. Thuốc bôi chứa Retinoid giúp tăng tái tạo, giảm tiết bã nhờn, lỗ chân lông cũng giảm bít tắc, kháng viêm và giảm mụn. Ngoài ra, thuốc cũng giúp giảm thâm, mờ sẹo nhờ công dụng tái tạo da. Tuy nhiên, da bạn sẽ nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời nên cần che chắn kỹ khi ra ngoài. Lưu ý, thuốc không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Thuốc kháng sinh: Một số loại kháng sinh thường dùng điều trị mụn nội tiết như Minocycline, Doxycycline, Macrolide (Erythromycin, Azithromycin),… Trong đó, thuốc nhóm Macrolide là phương pháp lựa chọn thay thế cho người bệnh không dùng được thuốc Tetracycline, kể cả phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Ngoài ra, người bệnh có để được dùng kết hợp với các thuốc khác như benzoyl peroxide để giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

2. Dùng giải pháp thiên nhiên để hỗ trợ điều trị mụn nội tiết

Người bệnh có thể dùng một số phương pháp thiên nhiên để loại bỏ mụn nội tiết, như:

  • Tinh chất tràm trà: Tinh chất này được chiết xuất từ lá của cây melaleuca alternifolia (loại cây bản địa của Úc) giúp kháng khuẩn, chống viêm và điều trị mụn. Tuy nhiên, tinh chất tràm trà cũng gây một số tác dụng phụ ở da như khô, kích ứng, châm chích, ngứa nhẹ, nóng rát,…

Các phương pháp điều trị mụn nội tiết nguồn gốc từ thiên nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn về tình hiệu quả và an toàn. Vì vậy, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được khám, chẩn đoán và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp với tình da của mình, giảm xảy ra biến chứng hay tác dụng phụ trên da.

3. Sử dụng kem trị mụn phù hợp cho làn da

Người nổi mụn nội tiết ở mức nhẹ đến trung bình có thể điều trị bằng một số sản phẩm bôi như:

  • Retinoids: Hoạt chất này giúp điều hoà quá trình chu chuyển tế bào, giảm viêm, giảm tiết dầu giúp lỗ chân lông thông thoáng và mụn ít nổi hơn. Trong điều trị mụn, nhóm thuốc thoa retinoids có 3 loại chính: tazarotene, tretinoin, adapalene. Người bệnh bắt đầu dùng retinoids nên thoa với nồng độ thấp nhất và quan sát. Nếu da không bị kích ứng, người bệnh hãy tăng dần nồng độ lên.
  • Benzoyl peroxide: hoạt chất này giúp giảm lượng vi khuẩn gây mụn trên da và hạn chế được khả năng kháng thuốc. Benzoyl peroxide có nhiều nồng độ khác nhau từ 2,5% – 10%. Người bệnh bắt đầu dùng với nồng độ 2,5% và tăng dần tỷ lệ phần trăm lên để thuốc tốt được dung nạp tốt hơn. Lưu ý, benzoyl peroxide có thể gây kích ứng khi tăng dần theo nồng độ.
  • Axit Azelaic: thành phần này thuộc dạng acid dicarboxylic và dạng thuốc thoa thường có nồng độ 20%. Người bệnh dùng thuốc 2 lần/ngày sẽ giúp ngăn vi khuẩn C.acnes phát triển và giảm viêm. Ngoài ra, thuốc còn khiến quá trình sừng hóa nang lông đảo ngược, tiêu cồi mụn và giảm thâm mụn. Đặc biệt, axit azelaic ít tác dụng phụ hơn retinoids.
  • Axit salicylic: chất này nổi bật với khả năng tẩy tế bào chết, hòa tan dầu thừa giúp lỗ chân lông thông thoáng, giảm nổi mụn. Axit salicylic có thể tìm thấy trong nhiều loại mỹ phẩm chăm sóc da như toner, serum trị mụn, tẩy tế bào chết, sữa rửa mặt… nên dễ dàng kết hợp vào chu trình chăm sóc da hàng ngày.
khám và điều trị cho người bệnh nổi mụn nội tiết
ThS.BSNT.CKI Trần Nguyễn Anh Thư đăng khám và điều trị cho người bệnh nổi mụn nội tiết.

Những lưu ý khi điều trị mụn nội tiết tại nhà

Khi điều trị mụn nội tiết tại nhà, người bệnh cần lưu ý mụn nội tiết kéo dài ít nhất vài ngày đến vài tuần. Nếu không được điều trị, mụn có thể nổi dai dẳng nhiều tháng. Mụn nội tiết tùy vào tình trạng từng người mà gây ảnh hưởng khác nhau, việc điều trị cũng sẽ khác nhau nhưng đều giống nhau là cần kiên nhẫn. Sau khi bắt đầu điều trị, người bệnh mất 4 – 6 tuần mới thấy da được cải thiện. Sau đó, người bệnh vẫn cần duy trì liệu trình điều trị để ngăn mụn mới hình thành.

Ngoài ra, người bệnh cần duy trì một số điều sau để mụn nội tiết giảm nguy cơ tái phát:

  • Hạn chế căng thẳng.
  • Ngủ sớm, ngon và sâu giấc.
  • Thực hiện chế độ sống và ăn uống lành mạnh.
  • Dùng mỹ phẩm chăm sóc da không gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Nếu người bệnh bị mụn nội tiết dai dẳng hãy gặp bác sĩ để được khám và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đườngchuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hội tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại liên tục được cập nhật trên thế giới giúp quá trình khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh.

Mụn nội tiết rất phổ biến và gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Thông qua bài những hình ảnh mụn nội tiết dễ nhận biết, mong rằng người bệnh hiểu được hậu quả nghiêm trọng của mụn gây ra, không nên chủ quan mà hãy đi gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.